Bộ Tài Chính lại tìm cách để tăng giá xăng thêm 1000đ/lít ?

Anh Mỹ
Thứ sáu, 23/02/2018 10:07 AM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít vì thu ngân sách giảm

Một điểm đặc biệt đáng chú ý tại dự thảo Nghị quyết này là Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít…

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể xăng dầu nhập khẩu từ thị trường Asean và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%).

Bộ Tài chính cho rằng: Do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Cụ thể: Số thu năm 2016 từ ASEAN là 5,8 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2015 (13,5 nghìn tỷ đồng); từ Trung Quốc là 898 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2015 (3.712 tỷ đồng). Năm 2017, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường này tiếp tục giảm, trong đó từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á nói chung.

Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 27/11/2017, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng thứ vị trí 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 122 nước) với mức giá là 18.580 đồng/lít, thấp hơn so với 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam (thấp hơn Lào là 5.304 đồng/lít, Campuchia là 2.988 đồng/lít, Trung Quốc là 1650 đồng/lít); và thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Châu Á (như thấp hơn Singapore là 18.560 đồng/lít, Philippines là 3.892 đồng/lít, Hồng Kông là 27.974 đồng/lít).

Bộ Tài chính cũng cho rằng: Xăng, dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia... Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Trong đó, tiếp xúc với chất benzen trong một thời gian nhất định có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

Do đó, bộ này cho rằng cần thiết điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học).

 Bộ Tài chính muốn tăng thuế môi trường xăng dầu lên kịch khung

Giá xăng dầu ra sao nếu tăng thuế kịch khung

Tính toán tác động đối với giá bán của việc tăng thuế môi trường xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết: Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở (là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu).

Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng sẽ làm giá bán xăng dầu tăng lên.

Cụ thể, đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.

Bộ Tài chính cho rằng do xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng ngay cả khi không sử dụng nên việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường

Tăng mạnh thuế xăng dầu, thu ngân sách sẽ tăng mạnh

Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm đại đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường. Cho nên với phương án tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nêu trên của Bộ Tài chính, dự kiến ngân sách sẽ tăng mạnh.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đối với xăng, dầu khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính cho hay, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2017 khoảng 150.810 tỷ đồng, bình quân khoảng 25.135 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu NSNN và khoảng 0,34% - 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm.

Số thuế bảo vệ môi trường này tăng mạnh qua từng năm. Trong đó năm 2012 là 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng; năm 2016 là 44.323 tỷ đồng và năm 2017 khoảng 44.825 tỷ đồng.

Theo: VNN

giá xăng dầu giá xăng dầu mới nhất giá xăng tăng thuế xăng dầu thuế bảo vệ môi trường
Xem thêm