Kinh nghiệm sống còn khi lái xe trong ngày mưa bão

Thoa Trịnh
Thứ năm, 27/09/2018 13:38 PM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Khi bắt buộc phải lái xe đi qua những vùng bị ngập nước, để tránh bị thủy kích, người lái xe cần phải làm gì?

Mùa bão với liên tiếp những cơn mưa lớn kéo dài không những ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại, mà thậm chí còn có thể gây nên tình trạng hỏng hóc nghiêm trọng đối với phương tiện. Vì vậy, việc trang bị những kỹ năng và kiến thức lái xe trong mùa mưa lũ thật sự cần thiết và sẽ giúp ích trong việc lái xe an toàn, hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm lái xe trong mùa mưa bão, kinh nghiệm lái xe mùa mưa, thủy kích

Đặc biệt, trong mùa mưa, điều đáng lo ngại nhất là hiện tượng thủy kích, khi xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm chết máy đột ngột. Nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ dưới sức ép của piston sẽ tạo phản lực làm biến dạng các tay biên và piston. Khi tay biên cong quá sẽ bị gẫy, đoạn gẫy này sẽ chọc thủng thành động cơ, phá huỷ máy xe. Điều này sẽ làm cho xe bị hư hỏng nặng và chi phí sửa chữa sẽ rất cao. Thêm vào đó nếu tài xế mở cửa xe, nước tràn vào sẽ làm hỏng các chất liệu nội thất cũng như hệ thống điện, điện tử trong xe.

Lời khuyên chính xác nhất dành cho lái xe khi điều khiển ô tô qua vùng ngập nước là không nên đi, cố gắng đợi nước rút hay đánh xe vào một nơi nào đó gửi xe và tìm phương tiện khác an toàn hơn. Nếu có việc gấp bắt buộc phải vượt qua cần chú ý những điều sau:

Kinh nghiệm lái xe an toàn qua vùng ngập nước

- Trước khi quyết định đi qua vùng ngập nước, bạn nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào thay vì qua đường khí nạp theo xe để tránh cho nước khỏi vào động cơ. Sau khi vượt qua đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lọc gió động cơ trở lại bình thường.

-  Bạn nên xem xét mức nước trước khi đi qua, mức nước an toàn là dưới 25 cm và không vượt qua tâm bánh xe, ở trên mức đó bạn không nên liều lĩnh đi qua. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.

Kinh nghiệm lái xe trong mùa mưa bão, kinh nghiệm lái xe mùa mưa, thủy kích

-  Khi lái xe trong vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái từ tốn. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

-  Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ dẫn tới hiện tượng thủy kích làm cong tay biên.

-  Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.

-  Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.

Kinh nghiệm lái xe trong mùa mưa bão, kinh nghiệm lái xe mùa mưa, thủy kích

-  Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).

- Nên tránh mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.

Chăm sóc xe hậu lũ lụt

Sau khi đi qua vùng ngập nước, bạn nên mang xe đi kiểm tra, bảo dưỡng. Trong trường hợp nước tràn vào xe, ngoài việc kiểm tra và sửa chữa động cơ, hệ thống gió… bạn còn phải nhanh chóng làm sạch nội thất.

-  Việc làm sạch nội thất không đơn giản chỉ là lôi thảm ra phơi mà còn là kiểm tra, chăm sóc, vệ sinh hàng loạt bộ phận phức tạp: mút cách âm, ống dẫn khí điều hòa thổi chân, hệ thống điện điều khiển ghế, sưởi ghế, lỗ sạc điện và hệ thống dây dẫn điện điều khiển toàn bộ đèn ở đuôi xe…

-  Ngoài thảm lót sàn, nỉ trải sàn, mút cách âm cũng cần được phơi khô, thậm chí thay thế vì nếu bị ngâm nước lâu, các bộ phận này sẽ bị ải, rách, gây ảnh hưởng đến khả năng chống ồn của sàn xe. Ngoài ra, nấm mốc sinh ra do ẩm uớt ở nỉ sẽ gây mùi khó chịu, có hại cho sức khỏe.

Kinh nghiệm lái xe trong mùa mưa bão, kinh nghiệm lái xe mùa mưa, thủy kích

-  Hệ thống ống dẫn khí điều hòa thổi chân cũng cần được làm sạch gấp vì hệ thống này làm bằng nhựa, có dạng ống kín nằm chìm dưới lớp nỉ trải sàn và nếu nước bẩn của các trận ngập lọt vào sẽ ứ đọng làm nảy sinh các dạng vi sinh vật có hại.

- Kiểm tra và sấy khô các giắc cắm, mối chuyển của hệ thống điện. Các đầu tiếp xúc kim loại này có thể bị han gỉ và ảnh hưởng đến khả năng truyền điện cũng như dẫn tới việc chập cầu chì, hỏng đèn hay tê liệt một chức năng nào đó trong xe.

-  Hút, sấy, vệ sinh và khử mùi ghế cùng toàn bộ nội thất để làm sạch xe và đảm bảo tuổi thọ cho xe.

Trên đây là những kinh nghiệm được chia sẻ bởi chính những tài xế lâu năm. Hy vọng những kinh nghiệm trên sẽ hữu ích cho bạn trong mùa mưa bão này.

Chúc các bạn luôn vui vẻ và lái xe an toàn!

Kinh nghiệm xe Tư vấn xe Lái xe an toàn Kinh nghiệm lái xe trong mùa mưa bão Thủy kích kinh nghiệm lái xe kinh nghiệm xe cộ ô tô xe
Xem thêm