Các tình huống khó khăn nhà quản lý thường gặp và cách giải quyết

Author Thethao247.vn Lê Nhung - 09:00 17/07/2019 GMT+7
Bài toán quản lý con người luôn là bài toán khó đối với lãnh đạo công ty. Vậy đâu là những tình huống phổ biến mà các nhà quản gặp phải và cách giải quyết như thế nào để tốt cho cả nhân viên và doanh nghiệp?

Có thể nói, quản lý con người cho đến nay là một trách nhiệm khó khăn nhất. Mỗi nhân viên với một tính cách khác nhau, khó có thể đoán trước và không được thúc đẩy bởi một yếu tố duy nhất. Do đó, người quản lý không thể tránh khỏi những tình huống khó khăn. Tuy nhiên nếu biết cách xử lý sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm tốn kém. Dưới đây là các tình huống phổ biến mà nhà quản lý thường gặp phải và cách giải quyết, hãy cùng tìm hiểu nhé.

Giải tỏa bất hòa giữa nhân viên

Môi trường làm việc nào cũng có chuyện thị phi, việc nhân viên mâu thuẫn, bất hòa là “chuyện thường gặp ở huyện”. Đây cũng là cái ải thường gặp nhất của các nhà quản lý và việc giải quyết bất hòa giữa đồng nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Trong chuyện mâu thuẫn, ai cũng có cái lý riêng của mình nên ai đúng ai sai khó mà phán quyết. Nếu can thiệp không đúng cách, chẳng những không làm dịu đi căng thẳng mà trái lại còn “đổ thêm dầu vào lửa” dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Cách giải quyết

Với vị trí là trọng tài bất đắc dĩ, nhà quản lý phải thật khéo léo, tinh tế để giải quyết những bất hòa giữa đồng nghiệp. “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” là bước đầu tiên cần thiết nhất để xử lý bất hòa. Bạn hãy gặp riêng từng người, hãy nghe rõ đôi bên trình bày để tìm hiểu nguyên nhân, những nút thắt giữa họ. Hãy yêu cầu mỗi bên tự đưa ra giải pháp giải quyết. Hãy thử tìm cách dung hòa để mỗi bên đều cảm thấy công bằng. Tuy nhiên, hãy nhớ sự can thiệp của bạn phải thật chừng mực. Nếu mọi cố gắng hòa hợp đều không thành công thì chỉ còn cách “sống chung với lũ”, hãy tìm cách hạn chế đến mức tối thiểu những va chạm giữa đôi bên để tránh việc sụt giảm hiệu quả công việc hoặc nhân viên bỏ việc.

Trị nhân viên thái độ

Trong một tập thể không hiếm trường hợp xuất hiện một vài cá nhân bất trị, luôn tỏ thái độ không phục và bất hợp tác. Điều này làm giảm sự đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm cũng như gây ra các rắc rối, khó khăn cho công việc của tập thể. Vậy nếu trong nhóm xuất hiện những nhân tố thì người quản lý, lãnh đạo sẽ phải làm như thế nào?

Cách giải quyết

Là một thủ lĩnh, nếu muốn “phục chúng” bạn phải dẹp bớt cái tôi cá nhân của bản thân để tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mà nhân viên tỏ thái độ với sếp. “Không có lửa làm sao có khói”, hãy xem xét và nhìn nhận một cách công tâm, thẳng thắn về cội rễ của vấn đề. Hãy tìm hiểu xem liệu có sự hiểu lầm nghiêm trọng nào không? Rất có thể có nhiều nút thắt đến từ những hiểu lầm không đáng có như nhân viên hiểu sai vấn đề, có sự nhầm lẫn trong quá trình truyền tải thông tin, hoặc bản chất riêng của nhân viên có tính tự ái cao, cái tôi quá lớn…

Khi đã hiểu được vấn đề bạn hãy tìm cách giải quyết dứt điểm theo mức độ và phương pháp hợp lý. Với những hiểu lầm, khúc mắc thì cần phải nhẹ nhàng tháo gỡ từng chút một. Bạn có thể gặp riêng, trao đổi thẳng thắn với từng nhân viên và luôn khách quan, tôn trọng ý kiến của họ nếu bạn cảm thấy giải pháp họ đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể “dĩ hòa vi quý” thì bạn cần biết cách “mềm nắn, rắn buông”. Tuyệt đối đừng dung thứ với nhân viên luôn có thái độ tiêu cực bởi điều này làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của các nhân viên khác và cũng gây tác động xấu đến năng suất chung của doanh nghiệp.

Thuyết phục nhân viên ở lại

Có thể nhiều người cho rằng tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên là điều khó khăn nhưng thực tế, thuyết phục một nhân viên có ý định ra đi cũng là một thử thách không kém phần vất vả.

Cách giải quyết

Trong hầu hết các trường hợp, nhân viên nghỉ việc vì một trong những lý do như mức lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn, trách nhiệm nhiều hơn, thay đổi nghề nghiệp hoặc chuyển đến một nơi ở mới... Mặc dù bạn không thể làm được gì nhiều nếu một nhân viên muốn chuyển sang một ngành nghề mới nhưng nếu nhân viên ra đi vì lương, lợi ích hoặc trách nhiệm thì bạn hoàn toàn có thể đàm phán. Bạn thậm chí cũng có giải pháp phù hợp nếu nhân viên chuyển đến sinh sống ở một thành phố khác. Trước đây, địa điểm làm việc có lẽ là sự trở ngại lớn nhất mà các công ty không thể vượt qua. Tuy nhiên, trong thời đại kết nối ngày nay, bạn có thể sắp xếp một mối quan hệ làm việc từ xa. Điều này sẽ giúp nhân viên vẫn sẽ tiếp tục làm việc ngay cả khi họ đã chuyển đi.

careerlink tuyển dụng
Xem thêm
TIN NỔI BẬT