Lý do VPF chưa công bố thời điểm diễn ra lượt cuối nhóm A

Thuỳ Dung
Thứ bảy, 03/10/2020 09:20 AM (GMT+7)
A A+

Mới đây, VPF đã công bố lịch thi đấu giai đoạn 2 V.League. Thế nhưng, thời điểm diễn ra lượt cuối nhóm A vẫn chưa xác định. Vậy, nguyên nhân của vấn đề này là gì?

Theo nguyên tắc, lịch thi đấu của những giải thể thao có tính đối kháng cao như bóng đá thì 2-3 lượt đấu cuối phải thi đấu cùng giờ. Sở dĩ có điều này là bởi đá cùng giờ sẽ làm giảm tối đa tiêu cực xảy ra, đảm bảo tính công bằng và khách quan của giải đấu.

Cuối giai đoạn 1 vừa rồi, hai vòng đấu cuối (vòng 12 và vòng 13) đã được VPF cho đá cùng giờ nên đảm bảo công bằng trong việc tranh thứ hạng giữa các đội bóng. Đặc biệt là ở cuộc đua vào top 8 đội tranh huy chương và 6 đội đua chung kết ngược.

Khi vòng 13 kết thúc, nhóm A được xác định gồm các đội sau Sài Gòn, Viettel, Than Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Becamex Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Nhóm B đua chung kết ngược gồm các đội bóng sau: SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam.

Thế nhưng, VPF đã quá vội vàng khi gửi mã số gửi cho các đội khi xây dựng lịch thi đấu cho giai đoạn 2 V.League 2020. Dường như, VPF quên mất rằng có 2 sân đấu là sân nhà chung của 2 đội. Cụ thể, sân Hàng Đẫy là sân nhà của Viettel và Hà Nội. Trong khi đó, Sài Gòn và TP.HCM cùng chọn sân Thống Nhất làm sân nhà. 

Lịch thi đấu giai đoạn 2 V.League 2020 mà VPF đã công bố có khá nhiều điểm bất cập
Lịch thi đấu giai đoạn 2 V.League 2020 mà VPF đã công bố có khá nhiều điểm bất cập

Chính vì lẽ đó, nếu dùng thứ hạng để sắp xếp các đội theo mã số thì có những lượt đấu sẽ có chuyện Hà Nội và Viettel hay Sài Gòn và TP.HCM cùng  đá sân nhà trong một lượt đấu. 

Ở lượt trận đầu tiên, Hà Nội đối đầu với TP.HCM trong khi Viettel đối đầu với HAGL. Lượt trận thứ 3, Viettel chạm trán Becamex Bình Dương trong khi đó Hà Nội gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Tình cảnh nan giải này tiếp tục ở lượt đấu thứ 6, Viettel đá Than Quảng Ninh và Hà Nội gặp Sài Gòn. Tất cả những trận đấu này đều diễn ra trên sân Hàng Đẫy. 

Sân Thống Nhất cũng rơi vào tình cảnh oái oăm tương tự. Có 2 lượt trận cả Sài Gòn và TP.HCM cùng thi đấu trên sân nhà. Đó là lượt trận thứ 5 và thứ 7. Cụ thể, ở lượt trận thứ 5, Sài Gòn gặp Than Quảng Ninh và TP.HCM gặp HAGL. Ở lượt trận thứ 7, Sài Gòn gặp Viettel và TP.HCM gặp Becamex Bình Dương.

Để giải quyết tình trạng trên, VPF đã tách ra 2 ngày thi đấu liền kề để các trận đấu này không trùng ngày.Thế nhưng, điều này chỉ đúng ở các lượt đấu đầu tiên, khi tính chất cạnh tranh của trận đấu chưa đạt đỉnh điểm. Về nguyên tắc, những lượt đấu cuối phải diễn ra trong cùng khung giờ cùng ngày. Với 7 lượt đấu ở nhóm A, đáng ra phải có 2 lượt đấu cuối phải đấu cùng ngày cùng giờ. Nhưng lượt đấu thứ 6 đã được BTC cho đá 2 ngày khác nhau.

Trận Hà Nội gặp Sài Gòn sẽ rất lợi thế khi đá sau trận Viettel gặp Than Quảng Ninh dù cùng diễn ra trên sân Hàng Đẫy. Ở lượt đấu gần cuối như này, yếu tố công bằng đáng ra phải được đặt lên đầu nhưng với cách sắp xếp như vậy, chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố chuyên môn ở vòng đấu này.

Ở lượt đấu cuối của nhóm A, bắt buộc phải đá cùng khung giờ nhưng Sài Gòn và TP.HCM cùng đá sân nhà ở lượt đấu này. Vậy đá cùng ngày cùng khung giờ kiểu gì? Xét trường hợp cả hai đội bóng này đều đang cạnh tranh chức vô địch và muốn tri ân khán giả của mình trong trận đấu cuối thì ai sẽ từ bỏ sân nhà để đi sân khác thi đấu? 

Nhiều khả năng, VPF sẽ lại đối phó bằng cách thuyết phục 1 trong 2 đội bóng TP.HCM phải chọn sân khác là sân nhà. Tuy nhiên, dù có chữa cháy kiểu gì thì đây vẫn là hạn chế và sự thiếu chuyên nghiệp của bộ phận điều hành làm lịch thi đấu của VPF.

Lịch thi đấu giai đoạn 2 V.League 2020

 

Lịch thi đấu Giai đoạn 2 V.League 2020 V.League
Xem thêm