Liệu bóng chuyền nam Cuba sẽ quay trở lại thời hoàng kim như trước kia?

Trung Hiếu
Thứ hai, 01/08/2022 15:19 PM (GMT+7)
A A+

Sau chức vô địch Challenger Cup 2022, NHM kỳ vọng thế lực bóng chuyền nam một thời sẽ quay trở lại sau chục năm "biến mất" khỏi bản đồ thế giới.

Tại trận chung kết của giải bóng chuyền nam Challenger Cup 2022, với sức mạnh vượt trội, tuyển nam Cuba đã vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ để lên ngôi cao nhất.

Với chức vô địch này, các chàng trai đội bóng xứ sở Caribbean lần đầu tiên được tranh tài tại VNL diễn ra vào năm sau. Hiện tại, Cuba đang có một lực lượng đầy trẻ trung và đầy đủ sức mạnh, kĩ thuật để đưa đội bóng này sẽ ngày càng tiến xa hơn.

Sao bóng chuyền Bỉ Herbots 'khóc gục' sau khi đội nhà lỡ hẹn VNL năm sau

Thế nhưng, ít ai biết rằng, tuyển nam Cuba đã từng là một thế lực thực sự của bóng chuyền nam thế giới trong một thời gian dài?

Tuyển nam Cuba đã từng có 2 tấm HCĐ tại 2 giải đấu lớn liên tiếp là Olympic 1976 và giải vô địch thế giới 1978. Thế nhưng, phải đến thập niên 90, đội bóng này mới thực sự trở thành đối thủ khó xơi của bất cứ các đội tuyển khác.

Cuba từng là thế lực của bóng chuyền nam thế giới vào thập niên 90

1 HCB và 1 HCĐ giải vô địch thế giới, 2 HCB World Cup, 2 HCĐ World Grand Champion Cup và 1 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ tại World League, từng đó đã chứng minh sức mạnh của những gã khổng lồ làng bóng chuyền thế giới.

Sau một thời gian đi xuống, Cuba lại quay trở lại top những đội bóng mạnh nhất khi họ sở hữu một lứa trẻ lúc đó đầy triển vọng như Wilfredo Leon, Yoandy Leal, Robertlandy Simon. Các chàng trai Cuba sở hữu thành tích ấn tượng như HCB giải vô địch thế giới, HCB World Grand Champion Cup 2009, HCĐ World League 2012.

Thế hệ vàng lúc ấy của bóng chuyền nam Cuba với những cái tên nổi bật như Leon, Leal, Simon hay Camejo

Những tưởng sẽ tiếp tục ngự trị ở vị trí các đội bóng top đầu, thế nhưng chính sách kỳ quặc của Liên đoàn bóng chuyền Cuba đã phá vỡ tất cả.

Thời điểm ấy, nếu như bất cứ ai thi đấu ở nước ngoài thì không được thi đấu trên tuyển quốc gia. Điều này dẫn đến việc chảy máu chất xám. Dàn sao của đội đều giã từ tuyển như Leon nhập tịch Ba Lan, Juantorena nhập tịch Ý hay Leal trở thành công dân Brazil.

Juantorena (giữa) nhập tịch Ý, Leal (phải) thi đấu cho Brazil chỉ còn mỗi Simon (trái) là còn thi đấu cho Cuba

Đây cũng là lý do khiến bóng chuyền nữ Cuba - đội bóng từng được xem là mạnh nhất lịch sử thế giới vào thập niên 90 của thế kỷ 20 "biến mất" khỏi làng bóng chuyền thế giới trong hơn chục năm qua.

Phải đến năm 2019, Liên đoàn nước này mới xóa bỏ chính sách kia, tuy nhiên hiện tại thế hệ vàng lúc ấy của Cuba chỉ còn lại Simon, phần còn lại chỉ là những sao trẻ.

Chức vô địch Challenger Cup sẽ giúp Cuba lần đầu tiên tham dự VNL và đây sẽ là thời điểm thực sự mà họ phải khẳng định vị thế và hình ảnh của đội bóng lớn trước đây.

bóng chuyền bóng chuyền nam Challenger Cup 2022 bóng chuyền nam Cuba VNL
Xem thêm