Đặc biệt hơn, ở mùa giải năm nay, có rất nhiều điểm nhấn khiến người hâm mộ không thể nào quên được.
Mở cửa cho ngoại binh
Sau chục năm cấm cửa với lý do "để các đội bóng tập trung đào tạo trẻ", mùa giải năm nay LĐBCVN cho phép các ngoại binh được thi đấu. Và từ đây, nhiều bom tấn đã nổ ra, trong đó ấn tượng nhất là "khủng long" Polina Rahimova khoác áo Geleximco Thái Bình.
Và với bản hợp đồng chất lượng này, đội bóng quê lúa đã giành chức vô địch một cách đầy thuyết phục sau 15 năm chờ đợi.
Bên cạnh đó, một số ngoại binh khác như Bassoko (HCĐG Hà Nội), Megawati (Hà Phú Thanh Hóa), Wanchai (TP. Hồ Chí Minh)... cũng được xem là những VĐV thi đấu nổi bật.
Nhờ vào sự xuất hiện của ngoại binh, có thể thấy chất lượng chuyên môn các trận đấu được nâng cao hơn, các nội binh cũng có điều kiện được học hỏi từ những ngôi sao trên thế giới.
Lần đầu tiên tổ chức tứ kết
Mùa giải năm nay, Ban tổ chức đã tổ chức vòng tứ kết, không chỉ tăng số lượng trận đấu mà còn giúp cho giải đấu trở nên căng thẳng và hấp dẫn hơn. Các đội bóng luôn phải dè chừng bởi việc đứng đầu bảng không có nghĩa giúp cho họ có thể tiến sâu vào vòng trong.
Rõ ràng nhất là nội dung nữ, khi toàn bộ 4 đội bảng B đều phải ra về ngay tứ kết, trong đó sốc nhất chính là việc ĐKVĐ Bộ Tư lệnh Thông tin trở thành cựu vương sau khi thua Geleximco Thái Bình trong 5 set đầy kịch tính.
Sự khác biệt giữa 2 địa điểm tổ chức thi đấu
Giải VĐQG 2022 được tổ chức ở 2 địa điểm: bảng A thi đấu ở Vĩnh Phúc còn bảng B ở Ninh Bình. Thế nhưng, không khí ở 2 nhà thi đấu lại trái ngược nhau hoàn toàn.
Nếu như bảng đấu tại Vĩnh Phúc có cực kỳ đông khán giả theo dõi, đặc biệt là các lượt trận vòng chung kết nữ gần như không còn một chỗ trống thì Ninh Bình lại ngược lại hoàn toàn.
Gần như đến vòng bảng cho tới các trận đấu tứ kết, bán kết nam vẫn chỉ lác đác vài chục người tới theo dõi, trận chung kết mặc dù đã nhộn nhịp hơn, thế nhưng so với đầu cầu Vĩnh Phúc vẫn không có gì nổi bật.
Điều này được cho là do công tác truyền thông khá yếu, chưa kể người dân Ninh Bình không thực sự mặn mà với bóng chuyền (Cúp Hoa Lư - Bình Điền cũng tình trạng tương tự).
Miss Volleyball (Hoa khôi bóng chuyền) lần đầu xuất hiện
Năm nay, Ban tổ chức đã trao một giải thưởng độc đáo, đó là Hoa khôi bóng chuyền. Với mục đích tìm ra người đẹp tài sắc vẹn toàn, cũng như là một cách để tăng hiệu ứng truyền thông, giải thưởng này ít nhiều đã tăng sự chú ý tới người hâm mộ bóng chuyền.
Sau khi kết thúc giải, cây chuyền hai của Viettinbank, Nguyễn Thu Hoài đã vinh dự được nhận giải thưởng này.
Công tác trọng tài nhiều bất cập
Mặc dù năm nay có sử dụng hệ thống Video Challenge Eyes, thế nhưng chỉ được sử dụng trong vòng chung kết, còn vòng bảng chưa có sự phục vụ từ bộ máy công nghệ này.
Phải đến khi Challenge Eyes được sử dụng trong vòng chung kết, các bất cập trong việc xử lý các tình huống mới được giảm đi đáng kể.
Mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót, thế nhưng không thể phủ nhận giải VĐQG năm nay đã đem đến rất nhiều điều mới mẻ tới những người theo dõi bóng chuyền nước nhà từ lâu. Mùa giải năm sau, chắc chắn rằng sẽ còn nhiều bất ngờ nữa và cùng hy vọng một giải đấu chất lượng hơn trong tương lai.