Lotus Theory 1 là mẫu xe điện đầu tiên có trọng lượng dưới 1.600 kg, nhẹ hơn 200 kg so với trọng lượng trung bình của các dòng xe điện gần đây trên thị trường.
Lotus Theory là mẫu xe điện concept mới nhất đánh dấu bước tiến quan trọng của liên minh sản xuất ô tô Trung Quốc-Anh trong việc phát triển các công nghệ hiện đại cho xe điện và tự lái.
Đây là biểu tượng cho hướng đi mới của Lotus, với sự tập trung vào phần mềm và các tính năng tự lái, khẳng định vị thế của hãng trong lĩnh vực ô tô tương lai. Mẫu xe được trang bị hệ thống Lotuswear, bao gồm bốn cảm biến Lidars có thể triển khai, nền tảng Nvidia Drive và phần cứng hỗ trợ khả năng tự lái L4.
Thiết kế và hiệu suất
Lotus Theory 1 là siêu xe ba chỗ ngồi, với khung gầm được làm từ sợi carbon mang lại sự nhẹ nhàng và cứng cáp cho xe. Xe có kích thước dài 4.490 mm, cao 1.140 mm, rộng 2.000 mm và chiều dài cơ sở 2.650 mm, tạo nên dáng vẻ thể thao và mạnh mẽ.
Lotus cho biết, mẫu xe này nặng dưới 1.600 kg, một con số ấn tượng đối với một siêu xe điện hiệu suất cao.
Cung cấp năng lượng cho Lotus Theory 1 là bộ pin 70 kWh, giúp xe di chuyển được quãng đường 402 km theo chuẩn WLTP. Với hai động cơ điện mạnh mẽ, xe đạt tổng công suất 987 mã lực, cho phép tăng tốc từ 0-100 km/h trong chưa đầy 2,5 giây.
Ngoài ra, xe còn được trang bị hệ dẫn động bốn bánh AWD, với tốc độ tối đa lên tới 320 km/h mang lại trải nghiệm lái đầy phấn khích.
Công nghệ tự lái hiện đại
Lotus không chỉ tập trung vào hiệu suất mà còn chú trọng vào công nghệ tự lái. Theory 1 được trang bị các tính năng hỗ trợ lái tiên tiến nhất hiện nay, xây dựng trên nền tảng Nvidia Drive, nền tảng cơ sở cho công nghệ Lotuswear.
Hệ thống này bao gồm bốn Lidars có thể triển khai, sáu camera HD, cùng radar milimet tầm xa và tầm ngắn, kết hợp với các radar siêu âm. Đây là một bộ cảm biến tự lái toàn diện, cung cấp khả năng nhận diện 360 độ, giúp nâng cao an toàn và hỗ trợ lái tự động cấp độ 4 (L4).
Thị trường và tiềm năng sản xuất
Hiện tại, Lotus thuộc sở hữu của tập đoàn Geely (Trung Quốc) và các mẫu xe điện của hãng được sản xuất hàng loạt tại Trung Quốc. Hai mẫu xe điện hiện có của Lotus trên thị trường là SUV Lotus Eletre và sedan Lotus Emeya đều được phát triển dựa trên nền tảng EPA, một phiên bản điều chỉnh của nền tảng SEA từ Geely. Đây đều là những mẫu xe cao cấp, hướng tới phân khúc thị trường xe điện sang trọng.
Bên cạnh đó, Lotus Evija - siêu xe điện của hãng ra mắt năm 2019 và được sản xuất giới hạn. Dù chỉ sản xuất một số lượng nhỏ, Evija đã gây được tiếng vang lớn nhờ hiệu suất vượt trội và thiết kế tinh tế.Vào năm 2022, Lotus thông báo đã sản xuất được tám chiếc Evija và dự kiến giao xe vào năm 2023.
Dù chưa có thông tin cụ thể về việc sản xuất hàng loạt Theory 1 nhưng theo CarNewsChina, mẫu xe này hoặc các phiên bản dựa trên concept này có thể sẽ được sản xuất tại nhà máy mới của Geely ở Vũ Hán, nơi sản xuất Lotus Eletre và Emeya để phục vụ cho thị trường quốc tế.
Nhà máy đã bắt đầu hoạt động từ năm 2021 và đang dần trở thành trung tâm sản xuất chính của các mẫu xe điện cao cấp từ Lotus.
Với Lotus Theory 1, Lotus tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực xe điện và mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho những mẫu xe hiệu suất cao kết hợp công nghệ tiên tiến.