Chia sẻ cả ‘công nghệ lõi’ cho các đối thủ, bí mật đằng sau sự hào phóng của Tesla là gì?

Quốc Bình
Thứ bảy, 09/12/2023 05:30 AM (GMT+7)
A A+

Hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla đã thực hiện một động thái bất ngờ khi chia sẻ công nghệ quan trọng của mình cho các hãng xe khác, bao gồm cả đối thủ trực tiếp là Ford.

Chuyên trang Electrek cho biết mới đây Tesla đã chia sẻ tài liệu về công nghệ điện áp 48V của mình với các nhà sản xuất ô tô lớn khác – bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh như Ford.

Theo đó, đây là một trong những hệ thống quan trọng được trang bị trên chiếc bán tải Tesla Cybertruck vừa ra mắt. Cybertruck là xe điện đầu tiên của nhà sản xuất ô tô sử dụng hệ thống điện 48 Volt (48V) trên toàn bộ xe, khác biệt so với hệ thống 12V được sử dụng ở hầu hết các phương tiện khác trên thế giới. 

Chia sẻ cả ‘công nghệ lõi’ cho các đối thủ, bí mật đằng sau sự hào phóng của Tesla là gì? 369775
Bán tải điện Tesla Cybertruck.

Tại sao hệ thống điện 48V lại quan trọng?

Kiến trúc 48V là một công nghệ quan trọng không phải vì nó mang lại bất kỳ tính năng hoặc khả năng cụ thể nào cho ô tô mà bởi vì nó sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách các nhà sản xuất ô tô bố trí hệ thống dây, trang bị phụ kiện và các thành phần liên quan tới điện cho xe của họ.

Những chiếc xe sản xuất hàng loạt đầu tiên thường sử dụng kiến trúc 6V để cung cấp năng lượng cho các bộ phận cơ bản như đèn pha, còn hệ thống 12V mới bắt đầu được áp dụng rộng rãi vào những năm 1950. 

Cuối thập niên 60 của thế kỷ 21, hầu hết mọi ô tô bán ở Mỹ đều sử dụng điện 12V - gồm cửa sổ chỉnh điện, đèn nội thất, bật lửa, đèn phanh, tia lửa điện, pin, v.v., tất cả đều thống nhất xung quanh tiêu chuẩn điện áp chung này. 

Chia sẻ cả ‘công nghệ lõi’ cho các đối thủ, bí mật đằng sau sự hào phóng của Tesla là gì? 369777

Sự thay đổi sang một mức điện áp khác là vấn đề lớn vì nó đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp linh kiện điện tử có thể chế tạo dễ dàng điều chỉnh sản phẩm của họ để hoạt động với bất kỳ chiếc ô tô nào. 

Những bộ phận của xe ngày càng được tiêu chuẩn hóa hơn (ngoài ra còn có giá cả phải chăng và đáng tin cậy hơn), để cuối cùng 12V đã trở thành tiêu chuẩn phổ biến cho hệ thống điện trên xe.

Tuy nhiên, các vấn đề với kiến trúc 12V đã xuất hiện theo thời gian. Do kiến trúc này có điện áp thấp nên việc cung cấp đủ điện cho tất cả các hệ thống xe trở nên khó khăn hơn. Và khi ô tô tích hợp ngày càng nhiều bộ phận sử dụng điện, điều này dẫn đến việc bố trí hệ thống dây trên xe vô cùng phức tạp. 

Chia sẻ cả ‘công nghệ lõi’ cho các đối thủ, bí mật đằng sau sự hào phóng của Tesla là gì? 369780
CEO Ford Jim Farley gửi lời cảm ơn Elon Musk thông qua mạng xã hội X vì đã chia sẻ tài liệu.

Việc chuyển sang kiến trúc 48V giúp giảm bớt rất nhiều thách thức mà các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với hệ thống 12V. Trong đó vấn đề lớn nhất là giảm sự phức tạp. Các dây dẫn sẽ được tinh gọn, vì mỗi dây có thể cung cấp nhiều năng lượng và điện áp hơn trong hệ thống 48V. 

Bên cạnh đó, kiến trúc 48V cũng có khả năng cải thiện hiệu suất sử dụng điện tổng thể, qua đó tăng cường khả năng tiết kiệm năng lượng, một điều khá quan trọng đối với những chiếc xe điện.

Hệ thống 12V vẫn sẽ tồn tại bất chấp động thái của Tesla

Thách thức trong việc áp dụng kiến trúc 48V chủ yếu nằm ở hệ sinh thái của nhà cung cấp phương tiện.

Cụ thể, nếu hãng không thể chuyển đổi đồng bộ tất cả các hệ thống của xe sang kiến trúc 48V thì lợi ích của hệ thống sẽ giảm, nguyên nhân là vì sự kết hợp giữa hai kiến trúc sẽ mang đến nhiều sự phức tạp. Do vậy, hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều bám vào kiến trúc 12V vì họ đã hiểu rõ về nó và biết nó sẽ hoạt động tốt.

Chia sẻ cả ‘công nghệ lõi’ cho các đối thủ, bí mật đằng sau sự hào phóng của Tesla là gì? 369786

Nếu một nhà sản xuất ô tô quyết định chuyển sang kiến trúc 48V thì bất kỳ chiếc xe nào họ chế tạo đều phải được đồng bộ cho phù hợp với hệ thống này. 

Trong khi các nhà sản xuất ô tô lớn như Ford có đủ nguồn vốn và quy mô để áp dụng kiến trúc 48V một cách độc lập, thì nhiều nhà sản xuất ô tô không đủ khả năng đạt được điều này. Đó là lý do mà hệ thống điện 12V sẽ tiếp tục tồn tại.

Tại sao Tesla chia sẻ kiến trúc 48V của mình?

Tất nhiên, Tesla chia sẻ kiến trúc 48V của mình vì những lý do và toan tính của riêng họ. Tesla biết rằng việc chuyển đổi sang hệ thống 48V sẽ vô cùng khó khăn đối với các OEM (nhà sản xuất linh kiện gốc) truyền thống, và động thái hào phóng này của hãng xe Mỹ cũng là một chiến dịch PR hiệu quả.

Bằng cách công bố kiến trúc 48V của mình, Tesla đang nói rằng: “Được rồi, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách chúng tôi đã làm điều này - một điều thực sự phức tạp và khó khăn đến mức sẽ mất nhiều năm để thực hiện. Và bạn chỉ có thể sao chép chúng tôi.” 

Chia sẻ cả ‘công nghệ lõi’ cho các đối thủ, bí mật đằng sau sự hào phóng của Tesla là gì? 369787

Nhưng Tesla biết rất rõ rằng ngay cả một công ty hùng mạnh và có nguồn lực tốt như Ford cũng không thể xây dựng chuỗi cung ứng cho kiến trúc 48V trong một thời gian ngắn. Đồng thời, sự thay đổi như vậy sẽ dẫn đến mức chi phí nghiên cứu, phát triển bị đội lên.

Tuy nhiên, với Tesla, hãng sẽ có hai lợi ích lớn trong trường hợp ngành công nghiệp ô tô chuyển sang hệ thống điện 48V, bao gồm:

Đầu tiên là chuỗi cung ứng. Nếu càng nhiều linh kiện trong chuỗi cung ứng xe toàn cầu được thiết kế cho hệ thống 48V thì chi phí của những linh kiện đó sẽ càng giảm theo thời gian (khi quy mô, tay nghề và độ tin cậy tăng lên). 

Lợi ích thứ hai tuy mơ hồ hơn nhưng cũng quan trọng không kém, đó là việc các kỹ sư và công nhân lành nghề trong ngành sẽ áp dụng và trau dồi kiến thức của họ xung quanh hệ thống 48V, từ đó tối ưu hiệu suất công việc và tăng số lượng lao động chất lượng cao - những người có thể hiểu và mang đến sự cải tiến cho công nghệ của Tesla.

Xem thêm