Các quy định về môi trường ở Châu Âu đã thúc đẩy nỗ lực tạo ra chuỗi cung ứng cho các sản phẩm tái chế.
Honda Motor và Nissan Motor là một trong những hãng sản xuất ô tô Nhật Bản đang xây dựng chuỗi cung ứng cho nhựa tái chế, theo thông tin từ tờ Nikkei Asia, nhằm làm cho các phương tiện của họ trở nên thân thiện hơn với môi trường và tuân thủ các quy định mới của châu Âu.
Nhựa là một vật liệu thiết yếu trong sản xuất ô tô, được sử dụng trong cản trước, các thành phần nội thất và nhiều bộ phận khác. Theo một đề xuất vào năm 2023 của Ủy ban Châu Âu, ít nhất 25% nhựa trong một chiếc xe mới phải là nhựa tái chế. Quy định này có thể có hiệu lực từ năm 2031, làm dấy lên lo ngại về việc các xe không tuân thủ sẽ bị cấm bán tại Liên minh Châu Âu.
Phụ tùng ô tô chỉ chiếm khoảng 3% tổng số nhựa tái chế thành sản phẩm mới trong dữ liệu năm 2022 của Nhật Bản từ Viện Quản lý Chất thải Nhựa có trụ sở tại Tokyo. Các nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản gặp khó khăn trong việc tái chế nhựa, do quy trình phân loại nhựa sau khi xe bị loại bỏ rất tốn thời gian.
Honda hướng tới việc hợp tác với các nhà sản xuất hóa chất và công ty tái chế để tạo ra một chuỗi cung ứng nhựa tái chế vào khoảng năm 2040. Kế hoạch này sẽ giảm số loại nhựa sử dụng trong xe mới từ khoảng 60% xuống còn sáu hoặc bảy loại, giúp quy trình phân loại tại các trạm tái chế trở nên dễ dàng hơn. Chiếc xe điện sản xuất hàng loạt đầu tiên của Honda, Honda e, đã sử dụng khoảng 25 loại nhựa.
Honda sẽ nhờ sự giúp đỡ của Mitsubishi Chemical Group và Toray Industries để biến nhựa thu thập được thành vật liệu phù hợp cho ô tô, vì các tạp chất có thể ảnh hưởng đến độ bền. Các đối tác hy vọng có thể phát triển và thương mại hóa công nghệ cải thiện chất lượng nhựa tái chế để đạt mức tương đương với các sản phẩm hiện có.
Các công ty khác trong ngành ô tô cũng đang tìm cách sử dụng nhựa tái chế. Nissan và đối tác Renault gần đây cho biết sẽ khởi động một sáng kiến để tái chế nhựa từ các xe điện bị loại bỏ sau đó sử dụng trong các ô tô mới lắp ráp tại châu Âu. Nissan sẽ xem xét đầu tư vào bộ phận tái chế của Renault, với các chi tiết như quy mô đầu tư chưa được công bố.
Toyota Motor đặt mục tiêu nhựa tái chế chiếm 30% hoặc hơn, tính trên tổng số nhựa sử dụng trong các xe mới sản xuất tại Nhật Bản và châu Âu, tính theo trọng lượng, vào năm 2030.
Tiêu biểu, dòng xe thể thao đa dụng Land Cruiser 250 của Toyota có ghế được làm từ chai nhựa. Trong khi đó, mẫu SUV cỡ nhỏ Toyota C-HR bán tại châu Âu đã tăng gấp đôi việc sử dụng nhựa tái chế so với mẫu xe tiền nhiệm.
Một đối thủ là Subaru đặt mục tiêu sử dụng ít nhất 25% vật liệu tái chế trong các mẫu xe mới bán ra toàn cầu vào năm 2030.
Chi phí cao hơn là một trở ngại cho việc áp dụng rộng rãi các bộ phận ô tô từ nhựa tái chế.Loại vật liệu này thường đắt hơn từ 50% đến gấp ba lần so với nhựa thông thường. Việc tăng mạnh sử dụng nhựa tái chế có thể làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô.
Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ nỗ lực này bằng cách thành lập một thực thể công-tư vào tháng 9. Với Bộ Môi trường đóng vai trò điều phối, nhóm này dự kiến sẽ bao gồm khoảng 10 tổ chức, bao gồm Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Nhật Bản - trong đó Toyota và Honda là thành viên - và Viện Quản lý Chất thải Nhựa.
Các thành viên của thực thể mới này sẽ hợp tác về nhiều khía cạnh như nhựa tái chế. Bộ sẽ xem xét cung cấp các khoản đầu tư cần thiết.
Trong bối cảnh các quy định dự kiến sẽ được thắt chặt tại châu Âu, nhiều thương hiệu ô tô như Mercedes-Benz và BMW cũng đang chuyển sang sử dụng nhiều nhựa tái chế hơn. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu MarketsandMarkets có trụ sở tại Ấn Độ, thị trường vật liệu tái chế cho ô tô (chỉ bao gồm nhựa) sẽ tăng khoảng 60% so với năm 2022, đạt 3,9 tỷ USD vào năm 2027.