Lý giải doanh số trái chiều của Toyota tại Việt Nam và Indonesia

Quốc Bình
Thứ hai, 18/03/2024 16:12 PM (GMT+7)
A A+

Trong tháng 2/2024, doanh số bán ô tô tại Việt Nam và Indonesia ghi nhận diễn biến trái chiều do ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Toyota dẫn đầu về doanh số bán ô tô tại Indonesia

Tính cả hai tháng đầu năm 2024, doanh số bán buôn ô tô của các thương hiệu (từ nhà máy tới đại lý) đạt 140.274 chiếc, trong khi doanh số bán lẻ (từ đại lý tới khách hàng) đạt 148.649 chiếc. Trong số hàng chục nghìn xe bán ra ở Indonesia, Toyota vẫn là hãng được yêu thích nhất. 

ilustrasi-ekspor-mobil-toyota-indonesia-1

Theo trang Oto Detik, vị trí thương hiệu bán chạy nhất của Toyota khó có thể bị các đối thủ của nó thay thế.

Doanh số bán buôn của Toyota trong tháng 2/2024 đạt 23.525 chiếc, trong khi doanh số bán lẻ là 22.142 chiếc. Với doanh số cao như vậy, Toyota đã ghi nhận thị phần lên tới hơn 31%. Xếp ngay dưới Toyota là Daihatsu với thị phần khoảng 21%. Daihatsu phân phối từ nhà máy đến đại lý đạt 15.088 chiếc, trong khi đến tay người tiêu dùng là 14.819 chiếc.

Toyota gặp khó khăn đầu năm 2024 tại thị trường Việt Nam

Toyota đã gặp khó khăn ngay từ đầu năm 2024, với doanh số sụt giảm đáng kể so với năm trước. Thương hiệu Nhật Bản chỉ bán được 1.248 xe trong tháng 2, đánh dấu mức doanh số thấp nhất trong vòng 5 năm qua, thậm chí còn thấp hơn cả mức doanh số ghi nhận được trong các tháng áp dụng giãn cách xã hội năm 2021 do dịch Covid-19.

Lý giải doanh số trái chiều của Toyota tại Việt Nam và Indonesia 424184

Trong tháng 2, Toyota tụt sâu xuống vị trí thứ sáu về doanh số trên thị trường, sau các hãng Hyundai, Kia, Mazda, Ford, và Honda, một điều lạ lẫm trong các năm gần đây. Đặc biệt, thương hiệu này không có mẫu xe nào vượt qua doanh số 200 xe và cũng không có mẫu xe nào góp mặt trong danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất trong tháng.

Tổng doanh số của hai tháng đầu năm là 3.456 xe (đứng thứ 4), giảm tới 56% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trên thị trường xe. 

Lý giải nguyên nhân

Nhìn chung, một số chuyên gia đánh giá rằng, do tháng 2 là thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường ô tô thường chưa trở lại trạng thái sôi động do phần nào dân chúng vẫn đang trong không khí du xuân, chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những dự án lớn trong năm. Mặc dù vậy, thường thì doanh số của tháng 2 sẽ cao hơn tháng 1, hoặc nếu có giảm cũng không đáng kể.

Tại Indonesia, Tết Nguyên Đán tuy cũng là ngày lễ lớn nhưng sẽ không có đợt nghỉ dài như Việt Nam, do vậy doanh số bán xe sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn.

Lý giải doanh số trái chiều của Toyota tại Việt Nam và Indonesia 424186
Toyota Corolla Cross

Đáng chú ý, Toyota Việt Nam đã gặp phải những khó khăn liên quan đến nguồn cung của một số mẫu xe nhập khẩu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Cùng với xu hướng giảm chung trên thị trường, sự thiếu hụt nguồn cung đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm doanh số của hãng.

Tiêu biểu, mẫu Corolla Cross, một chiếc crossover từng rất ăn khách, đã chứng kiến sự giảm sút đáng kể về nguồn cung từ quý III/2023, khi công ty chuẩn bị cho việc ra mắt phiên bản mới vào giữa năm 2024. 

Hậu quả là nhiều đại lý hiện không còn Corolla Cross để bán, ảnh hưởng đến doanh số giai đoạn đầu năm. 

Một yếu tố nữa tác động tới doanh số bán xe ở hai nước là nhu cầu mua sắm và tình hình của nền kinh tế. Tại Indonesia, có thể thấy mức giảm toàn thị trường trong tháng 2 chỉ là khoảng 10% (so với tháng 1), trong khi ở Việt Nam, con số này lên tới 40%. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, mức giảm thậm chí lên tới 50%.

Xem thêm