Một vụ tai nạn đã xảy ra trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) vào sáng ngày hôm nay 22/5 khi một ô tô con bất ngờ nổ lốp và đâm sang làn xe máy.
Nội dung chính
Ô tô đâm hỏng dải phân cách trên cầu Thanh Trì, suýt bay xuống sông
Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, vào khoảng 9h05 sáng ngày 22/5 đã xảy ra ùn tắc trên khu vực Vành đai 3 hướng từ quận Hoàng Mai đến cầu Phù Đổng. Điểm ùn tắc kéo dài bắt đầu từ khu vực giữa cầu Thanh Trì và kéo dài hàng cây số.
Nguyên nhân ùn tắc được xác định là do một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực giữa cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Đội CSGT Đường bộ số 14 và Công an quận Hoàng Mai (Công an thành phố Hà Nội) đã nhanh chóng có mặt để giải quyết sự cố.
Vụ tai nạn được xác định do một xe ô tô Mazda màu trắng biển kiểm soát 30A - 895.xx (chưa rõ danh tính người điều khiển) khi lưu thông đến khu vực giữa cầu bất ngờ nổ lốp. Lúc này, chiếc xe đang lưu thông trên phần đường dành cho ô tô đang có nhiều phương tiện cùng di chuyển. Tài xế đã nhanh trí đánh lái vào phần đường vắng dành cho xe máy và xe thô sơ, dẫn đến va chạm với dải phân cách giữa đường.
Tại hiện trường, chiếc xe quay ngang chắn phần đường dành cho xe máy và xe thô sơ. Khoảng 20 mét dải phân cách bị húc đổ. Chiếc xe đã lợi dụng mố thành cầu để không bị lao xuống sông, vì vậy vụ việc không gây thiệt hại về người.
Hiện tại, CSGT đã hướng dẫn phương tiện từ hướng đường Vành đai 3 rẽ về đường đê Nguyễn Khoái theo hướng đi cầu Vĩnh Tuy để giải quyết ùn tắc cho khu vực. Lực lượng cứu hộ cũng đã có mặt trên cầu Thanh Trì để làm nhiệm vụ.
Trước đó, vào ngày 17/4, một ô tô tải lưu thông trên cầu Thanh Trì cũng đã bất ngờ mất lái, đâm vào dải phân cách, làm các thanh sắt nối giữa các khối bê tông văng ra và khiến 2 người đi xe máy bị thương.
Vì sao cầu Thanh Trì thường xuyên trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông?
Cầu Thanh Trì được khởi công xây dựng vào ngày 30/1/2002 và đưa vào sử dụng năm 2007. Cầu dài 3.084 m, rộng 33,1 m, có 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Phần đường dẫn dài gần 12.000 m với 5 nút giao thông và tổng kinh phí 5.700 tỷ đồng từ vốn ODA Nhật Bản.
Đến năm 2022, cầu đã sử dụng được 15 năm. Lưu lượng phương tiện giao thông qua lại thuộc diện lớn nhất Hà Nội. Từ một cây cầu dự tính tốc độ lưu thông của phương tiện giao thông lên tới 100 km/h thì nay giảm xuống chỉ còn 60 km/h. Với hơn 120.000 lượt xe mỗi ngày, cầu Thanh Trì quá tải gấp 8 lần so với năng lực thiết kế, gây ùn tắc thường xuyên.
Bên cạnh đó, tình trạng tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì cũng gia tăng, với số vụ tai nạn có thiệt hại về người tăng 62% từ năm 2018 đến năm 2020 so với hai năm trước đó.
Theo phản ánh của người dân, việc lắp dải phân cách tách biệt giữa hai dòng phương tiện ô tô và xe máy trên cầu Thanh Trì đã giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, dải phân cách được kết hợp giữa các khối bê tông và các ống thép lại thể hiện rõ sự không an toàn.
Cụ thể, dải phân cách bê tông được kết nối bằng các thanh sắt dễ dàng bị xê dịch khi có tác động, độ cứng cáp không đảm bảo, qua đó dẫn đến biến dạng nếu có va chạm.