Trung Quốc và EU sẽ đàm phán lại về vấn đề đánh thuế ô tô điện

Quốc Bình
Thứ hai, 24/06/2024 09:50 AM (GMT+7)
A A+

Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự định sẽ ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề đánh thuế xe điện nhập khẩu đang gây căng thẳng giữa hai bên.

Ngày 22/6, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đã thông báo với Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck rằng sẽ có các cuộc đàm phán cụ thể về thuế quan với Trung Quốc. 

Xác nhận này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết người đứng đầu bộ này, ông Vương Văn Đào (Wang Wentao), và Phó Chủ tịch điều hành EC Dombrovskis đã nhất trí bắt đầu các cuộc tham vấn liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp của EU đối với các loại xe điện của Trung Quốc.

duc
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Ông Habeck nhấn mạnh mục tiêu hướng tới một “sân chơi bình đẳng” giữa các quốc gia. Ông cho rằng định hướng xuất khẩu là tốt, nhưng khẳng định rằng "không sử dụng các biện pháp trợ cấp cho việc này".

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã đến Bắc Kinh với tư cách là người phát ngôn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu để đàm phán cùng EU về các biện pháp thuế đối với xe điện Trung Quốc bán tại Liên minh châu Âu. 

Trung Quốc và EU sẽ đàm phán lại về vấn đề đánh thuế ô tô điện 486325

Ông là bộ trưởng đầu tiên của châu Âu đến thăm Trung Quốc kể từ khi EU công bố đề xuất thuế quan. Brussels lập luận rằng sự "hào phóng" của các khoản trợ cấp từ Bắc Kinh đã mang lại cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lợi thế cạnh tranh không công bằng so với các nhà sản xuất châu Âu.

EU đã áp các mức thuế mới khác nhau cho ba nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc. BYD, đang cạnh tranh với Tesla để giành vị trí là hãng bán xe thuần điện lớn nhất thế giới, có mức thuế bổ sung thấp nhất là 17,1%. Geely, công ty sở hữu thương hiệu Volvo của Thụy Điển, bị áp thêm mức thuế 20%, trong khi SAIC bị áp thêm 38,1%.

230913101934-europe-china-electric-car-subsidies (1)

Đối với các nhà sản xuất xe điện khác ở Trung Quốc, những hãng đã hợp tác với cuộc điều tra của EU sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 21%, trong khi những nhà sản xuất không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 38,1%. Theo tính toán, mức thuế 17,1% khiến một chiếc ô tô có giá khởi điểm 30.000 euro tăng thêm 5.250 euro (tương đương 142 triệu đồng), trong khi mức thuế 38,1% sẽ khiến giá xe tăng 11.450 euro (tương đương 311 triệu đồng).

Trung Quốc đã phản đối đề xuất này, đe dọa khơi mào một cuộc chiến thương mại khi các nhà sản xuất ô tô của nước này kêu gọi chính phủ đánh thuế nhập khẩu đối với xe sử dụng động cơ đốt trong của châu Âu.

Xem thêm