Trọng tài ở V-League: Biết rồi, nói mãi, nhưng vẫn thế

Hoàng Tùng
Thứ ba, 30/05/2023 12:30 PM (GMT+7)
A A+

Bóng đá Việt Nam ngày càng cho thấy sự tiến bộ, thế nhưng công tác trọng tài vẫn cứ dậm chân tại chỗ.

V-League qua bao năm vẫn vậy, mọi thứ có thể đổi thay nhưng những vấn đề về trọng tài thì vẫn còn đấy. Tính “sơ sơ” tại mùa giải năm nay, đã có 3 lần mà các sai lầm của trọng tài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của trận đấu.

Trợ lý trọng tài FIFA Nguyễn Lâm Minh Đăng mắc sai lầm ở trận TP.HCM - Hà Nội khi bắt việt vị không đúng trong tình huống tiền đạo Lucao ghi bàn. Trọng tài Trương Hồng Vũ thổi sai quả phạt đền trong trận Nam Định - Khánh Hòa, “giúp” đội bóng thành Nam giữ lại 1 điểm trên sân nhà. Mới đây nhất, trọng tài biên Nguyễn Thành Sơn lại bắt việt vị sai dẫn đến việc SLNA không được công nhận bàn thắng.

Tất cả những trọng tài mắc sai sót đều đã nhận những án phạt, nặng, nhẹ đều có cả. Sắp tới, để đảm bảo hơn, các trọng tài ngoại đã được mời về làm việc ngay tại vòng đấu tiếp theo.

anh-man-hinh-2023-05-27-luc-151744-16851754890101680037387-1685183267-173204-1685416881.png
Trọng tài biên Nguyễn Thành Sơn (CAHN vs SLNA) bị treo còi ít nhất 3 trận

Sai lầm, phạt, có thể là thêm những phát biểu xin lỗi và hứa hẹn từ những người đứng đầu, rồi thuê trọng tài ngoại về bắt. Cái vòng lặp ấy đã diễn ra bao mùa V-League mà vẫn không có gì biến chuyển.

Muốn bóng đá phát triển thì mọi khâu cũng đều phải phát triển. Nói vấn đề trọng tài là “con sâu làm rầu nồi canh” cũng không sai.

Nhìn xa hơn, không phải phạt nặng hơn, thuê trọng tài ngoại có tiếng hơn để cầm còi có thể giải quyết vấn đề. Điều cần làm là nâng cao chất lượng chuyên môn của trọng tài nội.

Tại Việt Nam, chỉ có 4 trọng tài được cấp chứng hiệu FIFA là Lê Vũ Linh, Ngô Duy Lân, Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Mạnh Hải. Việc đào tạo trọng tài trong nước chưa được đầu tư, triển khai một cách hiệu quả. 

Chưa có thống kê cụ thể về số trọng tài được đào tạo bài bản là bao nhiêu, trọng tài được thẩm định dựa theo tiêu chí nào. Tất cả những bài kiểm tra cho trọng tài được công bố phần lớn là về…thể lực. Số lượng trọng tài mới được đôn lên V-League hay giải hạng nhất ra sao. Mọi thứ về cách đào tạo trọng tài tại Việt Nam đều khá mơ hồ. Các trọng tài cũng ít cơ hội đi bắt những giải quốc tế khác để trau dồi chuyên môn.

van-quyett-nhan-the-do-sau-tran-dau-1681743075935201456594-1681745780-115454-1685417148.jpg
Chất lượng chuyên môn trọng tài nội chưa được đảm bảo

Năm sau, công nghệ VAR sẽ được áp dụng và nhiều người cho rằng sai lầm sẽ không xảy ra nếu có VAR. Nhưng nên nhớ, VAR chỉ là một công cụ hỗ trợ, yếu tố con người mới là quan trọng nhất. Trọng tài mà chuyên môn không tốt, thì vẫn sẽ mắc những sai lầm “kiểu VAR”. 

Thực tế trên sân sẽ có rất nhiều tình huống tranh cãi theo kiểu 50-50. Trọng tài xem VAR thay đổi quyết định ban đầu mà vẫn sai lầm, thậm chí có thể làm tình hình trở nên căng thẳng và phức tạp hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, sử dụng VAR không tốt, không nhanh nhẹn cũng có thể khiến các tình tiết bị cắt vụn, ngắt quãng làm ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể của trận đấu.

var-2-1685417262.jpg
VAR cũng không thể giải quyết tất cả nếu chuyên môn không tốt. (Ảnh: VFF)

Chất lượng trọng tài V-League 2023 đang bị nghi ngờ từ thượng tầng cho đến những người cầm cân nảy mực trên sân. Các sai lầm tiếp diễn nhiều hơn càng kéo hình ảnh giải đấu đi xuống. Phạt, thuê trọng tài ngoại hay áp dụng VAR cũng chỉ là những biện pháp ngắn hạn. Chất lượng chuyên môn của các trọng tài mới là thứ thiết yếu để giải quyết vấn đề từ gốc.

Xem thêm