Câu chuyện bóng đá: Sông Lam kêu cứu

Phú Văn
Chủ nhật, 08/06/2014 14:27 PM (GMT+7)
A A+

Sau vụ xô xát ở sân Lạch Tray và các án phạt được đưa ra, nhiều quan chức và cầu thủ SLNA đã bày tỏ sự bức xúc trước cách xử lý mà theo họ là thiếu công bằng từ BTC giải.


"Người ta bỏ bóng đá người, sân bóng đá bị biến thành võ đài rất phản cảm nhưng án phạt cũng chỉ có thế. Trong khi với Đình Đồng, đó chỉ là một tình huống bóng mà trọng tài cũng như "nạn nhân" đều thừa nhận là 50-50 nhưng Ban kỷ luật đã rất thẳng tay, cấm thi đấu đến hết năm. Bất công quá!", GĐĐH Hồ Văn Chiêm phân trần.

Những ngày khốn khổ của Đình Đồng

Án phạt dành cho Đình Đồng đến nay vẫn đang gây ra những tranh cãi. Trong lịch sử V-League, đó là một pha va chạm trên sân mà sau đó cầu thủ bị cấm thi đấu trong một thời gian dài kỷ lục: gần 1 năm. Truyền thông thế giới cũng cho rằng, chưa có tiền lệ về những án phạt theo kiểu như của Đình Đồng.

Quyết tâm đòi công bằng, sau khi sự việc xảy ra, Đình Đồng và SLNA đã liên hệ luật sư và nhiều chuyên gia về bóng đá để tư vấn. Gần như 100% đều cho rằng, căn cứ để Ban kỷ luật đưa ra án phạt dành cho Đình Đồng là không có cơ sở. Tuy nhiên, bất chấp dư luận cũng như ý kiến phản bác từ những người có liên quan, đơn kháng án của Đình Đồng bị bác.

 

Dinh Dong, SLNA

Pha bóng khiến Đình Đồng nhận án phạt kỷ lục


Vì án phạt nói trên, Đình Đồng bị gạt ra khỏi đời sống bóng đá. Mọi thứ dở dang, hậu vệ này cũng chia tay luôn người yêu, dù trước đó đôi bên đã xác định trung tuần tháng 6 năm nay sẽ tổ chức đám cưới. Ngoài những mất mát của bản thân, Đình Đồng còn bị dằn vặt bởi cảm thấy mắc nợ đội bóng quê hương. Để giữ chân Đình Đồng mùa giải năm nay, đội bóng xứ Nghệ đã phải bỏ ra 1,2 tỷ đồng. Đó là số tiền lớn với một đội bóng nghèo như SLNA.

Mặc dù vẫn ra sân tập luyện đều đặn cùng với các đồng đội nhưng với việc không được thi đấu, những ngày qua với Đình Đồng giống như cơn ác mộng.

Sông Lam đòi công bằng

Đến tận bây giờ, khi án đã tuyên và mọi thứ dường như an bài nhưng Đình Đồng cho biết, anh không phục với cách xử lý của Ban kỷ luật. Anh sẽ gửi thư lên Chủ tịch VFF và hy vọng, mọi thứ sẽ được thay đổi.

GĐ ĐH Hồ Văn Chiêm cho rằng, nếu so sánh với vụ việc xảy ra ở Lạch Tray thì án phạt dành cho Đình Đồng là quá nặng. Lỗi của Đình Đồng thuộc phạm vi chuyên môn. Bản thân hậu vệ này cũng như Anh Hùng và trọng tài đều thừa nhận, đó là tình huống cả 2 ham bóng. Trong bóng đá, việc vô ý gây hại cho nhau là bình thường, khó trách. Không thể căn cứ vào mức độ chấn thương của nạn nhân để ra án phạt được. Trong khi đó, tình huống ở sân Lạch Tray xảy ra khi bóng đã chết. Cầu thủ khi ấy lao vào nhau đánh đấm là phi thể thao và cần lên án. 2 vụ việc, 2 bản chất khác nhau nhưng Đình Đồng mới là người phải nhận án phạt cao nhất", ông Chiêm nhấn mạnh.

Nhiều quan chức SLNA cùng cho rằng, luật hay quy chế soạn ra là xử lý vi phạm và răn đe cầu thủ. Đưa ra một án phạt thì dễ nhưng phải tính đến việc án phạt đó sẽ tác động như thế nào đến sự nghiệp của một cầu thủ. Dùng luật để "giết" 1 cầu thủ thì dễ lắm.

Phía SLNA cho biết, khi nào VFF chưa điều chỉnh án phạt dành cho Đình Đồng thì khi ấy, họ hãy còn kêu oan.

Lâm Vũ

V-League 2014 bao luc bong da bao luc V-League Đình Đồng Samson Sông Lam Nghệ An
Xem thêm