'Cơn sốt' U23 Việt Nam và những cạm bẫy

Nguyễn Nam
Chủ nhật, 04/02/2018 08:01 AM (GMT+7)
A A+

Vị trí Á quân VCK U23 châu Á 2018 đã biến nhiều cầu thủ vô danh hoặc ít được biết tới trở thành ngôi sao sáng, được công chúng quan tâm, mến mộ. Nhưng cùng với đó là những cạm bẫy giương ra mà nếu không tỉnh táo, cái giá phải trả có thể là cả tương lai phía trước.

Quá trình chuẩn bị của đội tuyển U23 Việt Nam cho VCK U23 châu Á 2018 thực tế không nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng buổi ban đầu. Thất bại ở SEA Games 29 cũng như việc không được đánh giá cao là những nguyên nhân chính. Thành công của thầy trò HLV Park Hang Seo vì vậy là bất ngờ lớn, không chỉ đối với Việt Nam mà cả châu lục.

u23 viet nam, chau a, u23 chau a

Thêm một thực tế khác, U23 Việt Nam chỉ có một vài “ngôi sao” trong đội hình. Đó là những Công Phượng, Xuân Trường hay Văn Toàn, Quang Hải. Phần còn lại dù phần nào đã được biết tới qua giải U20 thế giới 2017 tại Hàn Quốc, nhưng không thực sự “hot” với truyền thông và công chúng. Tất cả vụt sáng, trở thành những ngôi sao được nhiều người yêu mến. U23 Việt Nam khi trở về nước đã tạo nên một cơn bão thực sự, lôi cuốn mọi tầng lớp. Có những người, có lẽ cả năm không xem một trận đấu ở V-League, nhưng vẫn xuống đường để hoà vào dòng người si mê.

Tất cả thay đổi chỉ sau 6 trận đấu ở một giải đấu cấp độ trẻ! Nếu để lựa chọn một gương mặt tiêu biểu cho câu chuyện “qua một đêm, tỉnh dậy thành ngôi sao” của U23 Việt Nam thì phải kể tới thủ thành Bùi Tiến Dũng. Thủ môn thuộc biên chế CLB FLC Thanh Hóa đã chơi cực tốt tại VCK U23 châu Á, và đặc biệt trận bán kết với Qatar. Tuy nhiên, điều khiến Tiến Dũng trở nên nổi hơn không chỉ là chuyên môn. Những câu chuyện ngoài lề liên quan đến các người đẹp trong giới showbiz đã khiến Bùi Tiến Dũng trở thành một gương mặt đặc biệt “hot”. Trang facebook cá nhân của thủ môn mới 21 tuổi trong một thời gian ngắn thu hút cả triệu “fan” theo dõi.

Trong một diễn biến ít người nghĩ tới nhất, Bùi Tiến Dũng bất ngờ rơi vào cuộc tranh chấp giữa đội bóng chủ quản với một công ty truyền thông, đơn vị muốn khai thác hình ảnh của anh để kiếm tiền. Bảng báo giá cho việc tham gia các sự kiện của Tiến Dũng được tung ra đã gây nên nhiều tranh luận khác nhau.

Việc khai thác hình ảnh cầu thủ không lạ với bóng đá chuyên nghiệp, đặc biệt ở châu Âu. Đồng thời, các cầu thủ chuyên nghiệp thường luôn có một người đại diện, hay “cò” theo cách gọi ở Việt Nam, đứng ra lo liệu tất cả những vấn đề liên quan đến pháp lý. Cầu thủ chỉ phải tập trung vào chuyên môn. Nhưng trong môi trường bóng đá Việt Nam vốn chỉ manh nha lên chuyên, đây thực sự là một lĩnh vực mới mẻ. Tại V-League, HAGL có lẽ là đội bóng đi sớm nhất trong việc khai thác hình ảnh cầu thủ để tạo nguồn thu. Hợp đồng của đội bóng với các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… gồm đầy đủ các điều khoản quy định cụ thể quyền lợi và cả trách nhiệm giữa đôi bên.

Nhưng với riêng trường hợp Bùi Tiến Dũng, điều công chúng và cả những người hiểu chuyện lo ngại, là cách thức những người tự xưng là “người quản lý” của anh biến Tiến Dũng thành ngôi sao. Đó là thông qua con đường thị phi như giới showbiz, vốn có thể khiến cầu thủ lạc lối, mất tập trung vào bóng đá.

Bùi Tiến Dũng hay cả những thành viên khác của U23 Việt Nam, vẫn chỉ là những cầu thủ trẻ. Phong độ nhất thời ở một giải đấu chưa đủ để khẳng định được tài năng của một cầu thủ. Tại Thanh Hoá, Tiến Dũng chỉ là thủ môn dự bị, sau cả Bửu Ngọc và Thành Thắng. Đây là lý do không ít người lo, cơn sốt U23 Việt Nam và những cạm bẫy bên ngoài có thể đẩy thủ môn mới 21 tuổi này lạc đường. Một ngôi sao thực sự, giá trị cần được kiểm chứng qua thời gian. Hy vọng thành tích ở giải châu Á sẽ mở ra tương lai mới cho các cầu thủ, thay vì dẫn tới những ngã rẽ không mong muốn.

u23 viet nam chau a u23 chau a
Xem thêm