Rashford là ứng viên Golden boy: Mừng đấy mà lo đấy

ctv
Thứ sáu, 30/09/2016 19:31 PM (GMT+7)
A A+

Golden boy, như cái tên của nó, là sự thừa nhận đầy sức nặng cho bất cứ tài năng trẻ trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng lo là giải thưởng này đang có một lời nguyền đáng sợ cho bất cứ ai từng giành được.

Giải thưởng này, hiểu theo một nghĩa nào đấy, chính là “Quả bóng vàng FIFA” phiên bản… nhí. Bạn phải là một ngôi sao thực sự, vượt trội giữa một rừng măng non khắp thế giới, mới được công nhận là một Golden boy.

Đáng lý ra, với một bước đệm đầy hoàn hảo như thế, những ai từng được nhận giải đều phải vươn mình trở thành những ngôi sao mới phải. Vậy nguyên do nào để những Anderson, Van der Vaart, Goetze, Isco, Balotelli, Pato, tức gần một nửa trong số 13 cái tên từng được trao giải, lại trượt ngã và đang có dấu hiệu là những thần đồng không bao giờ lớn?

Có một điểm chung mà nhiều người không nhận ra ở những ngôi sao này. Trừ Van der Vaart, những cái tên còn lại đều vội vã chuyển CLB ngay sau khi giành được vinh quang. Họ bỏ lại sau lưng cái nôi đã làm nên tên tuổi của mình và cập bến những chân trời mới, nơi đem lại hi vọng về những chiếc cúp và hiển nhiên là cả tiền bạc.

Nhưng với một cầu thủ trẻ, cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm sống đều rất non nớt, đó đích thị là một hành động tự sát. Chuyển sang đội bóng mới với hành tranh hoành tráng, không cần phải là một người trong làng bóng đá cũng biết được chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, đặc biệt là với những cầu thủ trẻ là khủng khiếp thế nào.

Anderson - Cậu bé vàng... ngấn mỡ

Gerard Pique, từng kể rằng thời còn ở đội trẻ Man United, chuyện anh và đồng đội bị các đàn anh bắt nạt như cơm bữa. Mà Pique thời đó mới chỉ thuộc dạng tiềm năng. Thử tưởng tượng nếu đó là một cầu thủ trẻ thuộc dạng có số có má xem, chắc chắn mức độ “bắt nạt” còn lớn hơn nhiều.

Tiếp đến, như đã đề cập phía trên, việc Golden boy là một giải thưởng danh giá. Vô hình chung, lại là con dao 2 lưỡi với một tài năng mới nở.

Không phải ai cũng có ý chí phấn đấu hoàn thiện bản thân mỗi ngày như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo. Khi mới bước qua tuổi 20, lại nhận được vô số lời có cánh trên mặt báo, tâm lý tự nhiên bao giờ cũng là sự tự mãn. Đó chính là liều thuốc độc giết chết sự nghiệp của bất cứ ai. Đơn giản là dù có tài năng đến mức nào, nếu không trui rèn kỹ năng, cải thiện yếu điểm, cầu thủ nào cũng sẽ bị đối phương bắt bài.

Những người như Messi, Ronaldo hay ở mức thấp hơn là Aguero, có thể đứng trên đỉnh cao nhiều năm liên là bởi họ luôn cải thiện yếu điểm của bản thân sau mỗi mùa. Nó khác hẳn cái cách Anderson, cậu bé vàng một thuở của Man United, đắm chìm trong những buổi tiếc thâu đêm suốt sáng và đổi lại bằng  vòng hai ngấn mỡ.

Không phải ai cũng lên tới đỉnh cao như Messi

Quay trở lại với Rashford. Công bằng mà nói, tiền đạo xuất phát từ lò đào tạo Carrington đã chứng minh cho tất cả thấy, anh không phải hiện tượng một mùa. Từ Louis Van Gaal cho tới Jose Mourinho, 2 trong số những HLV hà khắc nhất thế giới đều phải đặt niềm tin vào chân sút 19 tuổi này.

Thậm chí, ngay khi đã trở thành tâm điểm chú ý khắp mọi nơi, Rashford vẫn giữ cho mình những nét giản dị đáng quý mà việc viện dẫn những câu chuyện anh hiếu thảo thế nào, chăm học ra sao… xem chừng là quá thừa.

Tuy nhiên, đó là trước khi anh có cơ hội được nhận giải Golden boy. Khi đã là một Cậu bé vàng, nó sẽ là một bản lề trong hành trang sự nghiệp của Rashford. Từ cái bản lề này, có giữ được mình và tiếp tục nâng cao trình độ hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào chính anh.

Về phía các CĐV Man United, chắc họ chỉ thầm mong Rashford… không phải là người được xướng tên tại lễ trao giải tới đây. Cái dớp của danh hiệu này xem chừng quá nặng. Các Manucians chịu đựng một Anderson đã là quá đủ rồi.

Xem thêm