Nhiều nhà đài Việt Nam sẽ không phát sóng Ngoại hạng Anh mùa giải mới?

Thứ tư, 28/10/2015 10:26 AM (GMT+7)
A A+

(Thethao247.vn) – Việc giá trị bản quyền giải NHA đang tăng ‘phi mã’ khiến các nhà đài Việt Nam đang lo lắng bởi lợi ích thu lại sẽ không đủ để chi trả cho các đối tác nước ngoài.

Bài toán 'Đến hẹn lại tăng'

Đến hẹn lại lên, BTC giải Ngoại hạng Anh đã gửi thông báo mời thầu tới các đài truyền hình trên thế giới bản quyền phát sóng giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh trong 3 mùa bóng tiếp theo 2016-2019. Được biết, các đơn vị truyền hình của Việt Nam cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị các phương án đăng ký đấu thầu để tham gia sự kiện quan trọng lần này. Ngày 3/11 tới, các đài truyền hình và một số công ty kinh doanh bản quyền quốc tế sẽ có 2 tiếng để tham gia phiên đấu giá quyết định đối tác nhận được quyền phát sóng trực tiếp giải đấu số 1 hành tinh trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên tất cả đều đang khá e ngại khi ‘đơn vị trúng thầu’ sẽ là người bỏ ra số tiền cao nhất mà đài truyền hình K+ đang có tiềm lực lớn nhất.

Giá bản quyền truyền hình giải NHA tại Việt Nam đã là vấn đề tranh cãi được nói tới rất nhiều trong những năm qua. Từ 900.000 USD cho 2 mùa 2002-03 và 2003-04, cho đến 2 triệu USD trong 3 mùa từ 2004 đến 2007, giá bản quyền tiếp tục tăng phi mã lên mức 4 triệu USD từ mùa 2007 – 2010, 13 triệu USD từ mùa 2010 – 2013 và mới nhất là 35 triệu USD cho 3 mùa từ 2013 – 2016.

Việc giá trị bản quyền giải NHA đang tăng ‘phi mã’ khiến các nhà đài Việt Nam đang lo lắng bởi lợi ích thu lại sẽ không đủ để chi trả cho các đối tác nước ngoài

Barclays Premier League đã trở thành 'món ăn' tinh thần không thể thiếu của NHM bóng đá Việt Nam

Chính sự độc quyền truyền hình và sự không thống nhất trong các nhà đài Việt Nam đã khiến số tiền phải bỏ ra tăng chóng mặt không theo một quy luật nào cả. Nó có thể tăng gấp đôi từ năm 2004 đến năm 2007, cũng có thể gấp ba nếu so sánh năm 2007 với 2010 hay 2010 và 2013. Thâm chí, chỉ riêng số ngoại tệ của Việt Nam đã chảy ra nước ngoài trong 3 mùa giải gần đây (35 triệu USD) đã gần gấp đôi tổng chi phí bản quyền truyền hình của 11 mùa bóng trước đó. Và nếu giữ nguyên đà tăng như vậy, giá bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa kế tiếp từ 2016 – 2019 hoàn toàn có thể gấp từ 1 – 2 lần giá trị cách đây hai năm.

Nghĩa là để có thể sở hữu quyền phát sóng trực tiếp giải đấu này vào mỗi cuối tuần, các nhà đài Việt Nam sẽ phải chi từ 50 – 70 triệu USD. Đó thực sự là một điều vô lý, khi bóng đá Anh đang có xu hướng chững lại sau thành công ở giai đoạn 2007-2010 và không còn những đại diện lọt vào chung kết Champions League ở vài mùa bóng gần đây.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) sự tăng giá này không phải điều quá khó hiểu. Chia sẻ với VTC News, ông Cường cho biết: “Chi phí bản quyền truyền hình đang tăng trên khắp thế giới. Ở Anh, hai đài Sky và BT phải trả 5,1 tỷ bảng cho 3 năm chỉ để phát sóng 168/380 trận đấu trong một mùa. Ngay tại nước láng giềng Trung Quốc, họ cũng phải chi ra 160 triệu USD để phục vụ nhu cầu xem trực tiếp bóng đá Anh ngày càng tăng của người hâm mộ tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trên thực tế, bên phía Anh đã tính toán kỹ, cân nhắc trên tình hình thực tế, thói quen xem bóng đá Anh suốt 20 năm qua của người hâm mộ Việt Nam. Thậm chí, phía Premier League sẵn sàng buông nếu giá bỏ thầu của các đài quá thấp, hòng gây sức ép ngược lại phía Việt Nam. Khi đó chính NHM Việt Nam sẽ bị thiệt thòi nhất khi bỏ lỡ những trận cầu hấp dẫn mỗi tối cuối tuần”.

Nghịch lý, mất tiền cho ‘cò’

Đáng nói là dù đã gắn bó với giải Ngoại hạng gần 20 năm qua, tuy nhiên, phía Việt Nam lại chưa có một đại diện hợp pháp đủ mạnh và có tiếng nói trước BTC giải Ngoại hạng. Theo quy định của BTC giải Ngoại hạng Anh, bất kỳ một pháp nhân Việt Nam hay nước ngoài nào đều có thể tham gia đấu giá, các đài truyền hình, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, các công ty truyền thông đều có thể tham gia. Đơn vị giành chiến thắng có thể độc quyền phát sóng hoặc phân phối lại cho các đài truyền hình, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm qua, chưa có đơn vị hay tổ chức Việt Nam đứng ra mua được trực tiếp từ BTC giải Ngoại hạng Anh, mà đều phải qua trung gian là công ty MP&Silva. Ước tính, công ty này đã thu lợi 5-6 triệu đô la từ việc bán lại bản quyền truyền hình cho các đối tác Việt Nam trong 3 mùa giải 2010-2013 và có thể nhiều hơn ở giai đoạn 2013-2016.

Nếu như các đài chịu ngồi lại với nhau, tìm ra đại diện xứng đáng cũng như thống nhất số tiền sẽ trả, cách thức mua, cách phân phối các gói truyền hình... để thuyết phục BTC giải Ngoại hạng Anh bán bản quyền với mức giá chấp nhận được thì có lẽ Việt Nam sẽ không phải mất thêm hàng triệu ngoại tệ như thế. Đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa tìm được sự đoàn kết như vậy ở vào thời điểm này.

Author Thethao247.vn /
Ngoại hạng Anh bản quyền Ngoại hạng Anh truyền hình trả tiền K+ xem ngoại hạng anh đài truyền hình đài truyền hình việt nam
Xem thêm