ASIAD 18: Từ trong nhà ra ngoài ngõ

Không nói ai cũng biết ASIAD 18 là một cơ hội lớn nhất để quảng bá cho thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, nếu “cố đấm ăn xôi”, quyết làm mà không tính toán, thì có khi sẽ là phản tác dụng không thể nâng tầm thương hiệu Việt.

 

Nên hay không nên đóng vai chủ nhà tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18, diễn ra năm 2019) đang là câu hỏi thu hút đông đảo người hâm mộ, người dân cả nước sau khi Việt Nam chính thức được trao quyền tổ chức sân chơi này - chúng ta nhận được 29 phiếu ủng hộ, nhiều hơn 15 phiếu so với Indonesia, ứng viên thứ ba là Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã rút lui vào phút chót.

Du lịch có cần “ăn nhờ” ASIAD 18?

Một trong những cái lợi lớn nhất mà nếu Việt Nam giữ quyền đăng ASIAD 18 và vẫn quyết định tổ chức, sẽ thuộc trước hết về ngành du lịch. Đó là theo nhận định của ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Được biết, ông Tiến đã chia sẻ với báo giới rằng: “Trình độ vận động viên, huấn luyện viên và các nhà quản lý nhờ có sự kiện này mà có điều kiện trưởng thành, trình độ sẽ chạm tới đấu trường châu lục. Chúng ta được lợi không chỉ thể thao mà còn có cơ hội đón tiếp hàng trăm ngàn người từ các nước trong khu vực, châu lục. Nhờ đó phát triển du lịch, phát triển hàng không, nâng cao dịch vụ ngân hàng, khách sạn đi kèm”. Nhưng thực tế du lịch có phải chờ và nhờ đến ASIAD 18 mới phát triển?

Một bằng chứng cho thấy trong mấy năm gần đây, ngành thể thao nước nhà đang có nhiều vấn đề cần giải quyết. Khoan nói đến thành tích quốc gia ở các kỳ vận hội, thi đấu quốc tế bị tụt hạng, tinh thần thể thao – tôn vinh mà cổ vũ – của cộng đồng nói chung dường như cũng có sự giảm sút. Điển hình là các sân bóng trong các kỳ V-League đã không còn hấp dẫn và sôi động cổ động viên như xưa.

 

Dù Asiad 18 chưa diễn ra nhưng lượng khách du lịch và doanh thu ngành du lịch vẫn tăng dần đều (năm 2014 là dự kiến)

 

Trong khi ngành thể thao đang gặp khó khăn và nguyên nhân cũng chưa được xác định xác đáng để đến mức một quan chức ở vị trí quan trọng của ngành là Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng phải đổ lỗi cho bối cảnh kinh tế khó khăn, thì ngành du lịch Việt Nam ngược lại, đã bứt phá thăng hạng.

Những tưởng kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ cắt giảm nhu cầu xa xỉ là chi tiêu cho du lịch và tập trung hơn cho những lĩnh vực ít chi phí nhưng lại có hiệu ứng giải tỏa áp lực tâm lí và có khả năng kết nối đám đông là thể thao, thì xu hướng thực tế diễn ra ở du lịch Việt Nam là đà tăng trưởng liên tục.

Đơn cử về lượng khách du lịch, Việt Nam đạt 5.049.855 lượt năm 2010, 6.014.032 lượt năm 2011 và 6.847.678 lượt năm 2012. Còn về tổng thu du lịch cũng ngày càng cao, đạt 96 nghìn tỉ đồng (năm 2010), 130 nghìn tỷ đồng (năm 2011) và 160 nghìn tỷ đồng (năm 2012), chiếm tỉ trọng hơn 5% trong GDP cả nước. Riêng năm 2013, Việt Nam đạt 7512 lượt khách quốc tế đến thăm, tăng 10,6% so với năm 2012 (nguồn: Tổng cục Thống kê).

Theo mục tiêu của Tổng cục Thể thao và du lịch tới năm 2020, Việt Nam sẽ thu hút 10 – 10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47 – 48 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế là 7,2%/năm, nội địa là 5,3%/năm; tổng thu du lịch đạt 18 – 19 tỷ USD, tăng trung bình 12%/năm; đóng góp 6,5 – 7% tổng GDP cả nước, tăng trung bình 11 – 11,5%. Với đà tăng trưởng như hiện nay và dựa trên mốc thời gian ASIAD 18 sẽ tổ chức vào năm 2019, thực tế ngành du lịch có cần phải “dựa hơi” ASIAD 18 được diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, mới chạm đến mục tiêu?

Bài toán ngân sách đầu tư

Theo kế hoạch dự kiến mà Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) công bố vào tháng 11/2012 Việt Nam sẽ là chủ nhà của ASIAD 18 diễn ra vào năm 2019 (ASIAD 18), và dự kiến nước đăng cai bỏ ra 150 triệu USD để đầu tư cho công tác tổ chức. Như vậy “tiền đâu” để đầu tư cũng là một dấu hỏi đối với việc tổ chức sự kiện thể thao này.

Tuy nhiên, 150 triệu USD liệu có thể dừng lại ở đúng một con số tròn trịa như dự tính ban đầu không, mới là chuyện đáng lo. Nói cách khác, liệu Việt Nam có tái hiện lại được một câu chuyện thần kỳ đã ghi danh quốc gia vào các trang sử những quốc gia anh hùng thế giới với chiến lược đội quân du kích quân đánh thắng đội quân hiện đại trong lĩnh vực thể thao, khi 150 triệu USD sẽ là con số cực nhỏ so với quy mô kinh phí tổ chức của các kỳ ASIAD gần đây?

Được biết tại ASIAD 15 - Qatar 2006, BTC chi khoảng 2,8 tỷ USD; tại ASIAD 16 - Quảng Châu, Trung Quốc 2010, BTC chi 17 tỷ USD, bao gồm cả việc xây dựng một thành phố mới, hệ thống tàu điện ngầm và hoàn thiện mạng lưới giao thông; tại ASIAD 17 Incheon, Hàn Quốc 2014, ban tổ chức dự kiến chi khoảng 1,62 tỷ USD cho công tác tổ chức đại hội. Incheon xây mới tới 23 công trình phục vụ đại hội, trong đó sân vận động chính sẽ khánh thành vào tháng 4 tới với sức chứa 61.000 chỗ ngồi và có khả năng mức chi sẽ còn tăng cao hơn với các hạng mục khác và phát sinh khác từ đây cho đến kì vận hội cuối 2014.

Nếu Việt Nam làm được một ASIAD 18 rực rỡ thành công chỉ bằng đúng ngân sách dự tính, tin là tất cả ban tổ chức của các quốc gia đã từng tổ chức ASIAD với ngân sách khổng lồ gấp hàng chục lần Việt Nam nói trên, sẽ phải đến Việt Nam học hỏi vì xem ra mức đầu tư thực tế tối thiểu cho một kỳ ASIAD là không dưới 1 tỷ USD.

Quan trọng hơn cả câu chuyện đầu tư bao nhiêu cho ASIAD 18 mới đủ, còn là chuyện thực tế “cơm áo gạo tiền”, mà trong đó ở góc độ vĩ mô là chúng ta có nên đầu tư để đi xây dựng một phần cơ sở hạ tầng cho ngành thể thao, hay trước mắt, vẫn cần ưu tiên hơn cho các lĩnh vực mà đối tượng được hưởng lợi sẽ là hàng triệu người nông dân đang chiếm gần 70% dân số quốc gia. Đây tuy đã và đang là đối tượng được ưu tiên 1 trong nền kinh tế nhưng rõ ràng vốn bố trí đầu tư cho khu vực này mỗi năm chiếm đến trên 32% vốn ngân sách nhà nước, đạt bình quân khoảng trên 100.000 tỷ đồng, vẫn vô cùng ít ỏi.

Vậy thay vì 150 triệu USD hoặc hơn thế nữa đầu tư cho cuộc chơi Asiad 18, như đầu tư các công trình thể thao phục vụ Olympic mùa đông Sochi 2014 của nước Nga, rồi để đó một cách lãng phí mà đầu tư cho các công trình thể thao hàng ngày phục vụ dân sinh, đặc biệt cho thế hệ trẻ ở các trung tâm đại học vẫn hiện đại, vẫn đẳng cấp rồi lấy đó phục vụ các cuộc thi đấu khu vực, châu lục kể cả ASIAD 18 thì có thể đó chính là lời giải “có tình có lý” lúc này mà chính phủ làm vui vẻ cả làng thể thao lẫn công chúng.

Vậy đầu tư vào đâu mới thực là bài toán mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng?

Sạch nhà mới đẹp cửa...

Còn một số vấn đề đáng nói ở góc độ thương hiệu chuyên môn, như hình ảnh/ thương hiệu của ngành thể thao Việt Nam (liên quan đến giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế).

 

ASIAD 18, Bóng đá Việt Nam, SEA Games, bong da, bóng đá, bongda, bong da so, ket qua bong da, lich thi dau bong da, bang xep hang, bang xep hang bong da, tin bong da, tin tuc bong da, bong da 24h, bao, bao bong da, doc bao bong da, bong da plus, tin tuc, tin tuc 24h, bongdaso, the thao24h, kham pha

 

Nếu như trong tổng vốn đầu tư dự kiến của ASIAD 18 có một phần sẽ đến từ kêu gọi vốn đầu tư (cứ cho là tỷ lệ 70 - 30 hoặc 80-20), liệu đã có bao nhiêu nhà quản lí chủ trương tổ chức ASIAD đặt vấn đề xét trên độ phủ của thương hiệu ngành thể thao nước nhà hiện nay, tương ứng có bao nhiêu DN sẵn sàng “xuống tiền” mà không cần “liếc sơ” chỉ số Reach & Awareness (chỉ số đo độ phủ và nhận biết thương hiệu trước khi đi đến quyết định tài trợ).

Hỗ trợ cho nền thể thao nước nhà mà không toan tính sẽ là trách nhiệm CSR được nhiều doanh nghiệp coi trọng, nhưng doanh nghiệp chắc chắn sẽ coi trọng hơn nữa đồng tiền bỏ ra nếu các giá trị thương hiệu của nền thể thao nước nhà hiện nay đã được xây trên cái nền bền vững, để từ đó hoạt động CSR của họ gắn với thể thao, cũng là bền vững. Khi đó việc bỏ vốn sẽ không phải chờ đến “vận động” hay là câu chuyện làm thương hiệu vì lợi ích nhất thời của doanh nghiệp chứ không phải vì lợi ích bề vững của câu lạc bộ và của ngành thể thao, như những gì đang diễn ra với bóng đá Việt Nam.

Nói một cách thẳng thắn, chúng ta cần nhìn lại nội tại của ngành thể thao Việt Nam, trong đó có những điều xuất phát từ các vấn đề căn bản, là ứng xử, là thái độ, là hình ảnh đang hiện diện trên các sân đấu thể thao Việt Nam.

Chẳng nói đâu xa, ở một địa phương có nền bóng đá phát triển nhất nhì quốc gia là Nghệ An, thì hình ảnh sân bóng đá Vinh với cửa vào đầy… kim tiêm và rác thải tin chắc sẽ là một vết đen cho hình ảnh thể thao Việt Nam nếu chúng ta khi mở cửa đón khách từ ASIAD 18. Còn sân bóng đá Cẩm Phả hiện đang đang vô cùng cuồng nhiệt với đội bóng Quảng Ninh, liệu có bao giờ được những người quản lí, có liên quan quan tâm đến “hậu trường” của sân, những fan hâm mộ cũng có quan tâm đến chuyện… làm sạch sẽ hệ thống vệ sinh công cộng? Sẽ ra sao nếu 5 năm nữa, cho đến kỳ ASIAD 18 diễn ra, ứng xử, thái độ, những hình ảnh đó căn bản không “làm sạch” được?

Chúng ta đã và đang có rất nhiều vấn đề “cỏn con” nhưng hàng chục năm không giải quyết được như vậy, mà những vấn đề này lại thiết thân với câu chuyện hạ tầng theo nghĩa đen và tinh thần thể thao- văn minh theo nghĩa bóng, thì sao lại cứ phải bàn và tính toán đầu tư cho những chuyện tốn kém xa xôi?

Cuối cùng, nói về chuyện Việt Nam có thể rút đăng cai hay không, tôi cho rằng nếu thực sự cân nhắc và muốn, chẳng có gì là bất khả. Ở góc độ thương hiệu quốc gia, một lời xin lỗi đôi khi còn giá trị hơn cả việc “cố đấm ăn xôi” với 5 năm gồng mình, thậm chí tăng thêm gánh nợ quốc gia chỉ vì một hình ảnh mà có khi những người chủ trương triển khai còn thậm chí đến nay cũng chưa có tâm thế ngồi lại nhằm định lượng các giá trị mất đi và nhận được!

Author Thethao247.vn /
Tin liên quan
Bảng tổng sắp
huy chương SEA Games 32
TT Quốc gia Vàng Bạc Đồng Tổng
1 Việt Nam Việt Nam 136 105 114 355
2 Thái Lan Thái Lan 108 96 108 312
3 Indonesia Indonesia 86 81 109 276
4 Campuchia Campuchia 81 74 126 281
5 Philippines Philippines 58 86 116 260
6 Singapore Singapore 51 42 64 157
7 Malaysia Malaysia 34 45 97 176
8 Myanmar Myanmar 21 25 68 114
9 Lào Lào 6 22 60 88
10 Brunei Brunei 2 1 6 9
11 Đông Timor Đông Timor 0 0 8 8